Giờ vàng là gì? Làm sao để bắt trọn khoảnh khắc giờ vàng?

Giờ vàng là gì? Làm sao để bắt trọn khoảnh khắc giờ vàng?

Vài tháng trước, nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Tobias Hägg đã dành trọn một buổi sáng mùa hè bên bờ sông Li (Trung Quốc). Đồng hành cùng anh là một ngư dân đánh cá chim cốc, họ đã cùng nhau thức thâu đêm để buổi sáng có thể bắt trọn cảnh mặt trời mọc.

Sau khi phải chờ đợi quá lâu, Hägg đã có suy nghĩ rằng liệu chuyến đi dài đằng đẵng đó có đáng hay không, hay để rồi cuối cùng trở nên “công cốc” và chẳng có được gì. “Ấy vậy mà đột nhiên, tôi nhìn thấy ánh sáng nhỏ lung linh trên mặt nước. Tất cả những gì xảy ra sau đó đều tuyệt vời đến ngỡ ngàng” - anh kể lại. 

Trong nhiếp ảnh, “giờ vàng” đem đến sự lãng mạn và huyền bí, nhưng chúng ta lại thường bỏ qua mất những nỗ lực của nhiếp ảnh gia trong quá trình chụp một bức ảnh như vậy. Những nhiếp ảnh gia săn giờ vàng thường phải thức giấc trước bình minh hoặc thức đến khuya. Tất cả đều chỉ để “chộp” được khoảnh khắc ngắn ngủi của ánh mặt trời vào thời điểm chuyển giao giữa sáng và tối. 

Giờ vàng sẽ khác nhau tùy vào vị trí của bạn, nhưng nó thường chỉ kéo dài trong khoảng thời gian rất ngắn trước khi mặt trời mọc và ngay sau khi mặt trời lặn, khi mặt trời đang ở vị trí thấp nhất trong ngày. Khi mặt trời chạm tới đường chân trời, bầu khí quyển mất đi toàn bộ ánh sáng xanh và tím, để lại phía sau một màu cam vàng rực rỡ.

Giờ vàng là khoảnh khắc mặt trời nằm ở vị trí nằm giữa vĩ độ 4 và 6 phía trên đường chân trời. Càng gần xích đạo, khoảnh khắc này diễn ra càng nhanh. Do đó, càng đi về phía hai cực (Bắc hoặc Nam), bạn sẽ càng ngắm được giờ vàng lâu hơn.

Giờ vàng không phải là hiện tượng mà người ta có thể dự báo chính xác. Vậy nên bạn có thể tham khảo một vài mẹo dưới đây để nắm bắt và tận dụng mọi cơ hội để “săn” được khoảnh khắc tuyệt vời này.

1.jpg

Tải về một ứng dụng

Bước đầu tiên chính là xem dự báo thời tiết địa phương, nhưng bạn lại cần những thông tin chi tiết hơn nếu muốn bắt trọn mọi khoảnh khắc.

Bạn có thể sử dụng các ứng dụng như PhotoPills, The Photographer’s Ephemeris, Sun Surveyor hay SunCalc để cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình thời tiết  của khu vực mà bạn chuẩn bị chụp cũng như những lời khuyên dành cho nhiếp ảnh gia.

Đi tiền trạm...

Nếu có thể, hãy cố gắng đến nơi bạn định chụp thật nhiều lần để làm quen với quá trình thay đổi của ánh sáng. Hãy thử chụp trước một vài bộ ảnh và ghi lại những điều cần chú ý. Nhờ đó, khi đến buổi chụp chính, bạn đã nắm rõ hơn về cách ánh sáng thay đổi trong nhiều điều kiện khác nhau, từ đó lựa chọn những công cụ và cách chụp phù hợp nhất.

2.jpg

… và đi thật sớm

Bạn nên đi sớm hơn giờ vàng dự kiến ít nhất 30 phút để sắp xếp và chuẩn bị cho buổi chụp, nếu không bạn sẽ có thể bị lỡ mất những khoảnh khắc tuyệt vời chỉ để chỉnh lại tripod hay điều chỉnh thông số trên máy ảnh.

3.jpg

Nắm bắt cơ hội khi thời tiết xấu

Bầu trời đầy mây có thể ảnh hưởng xấu tới ánh sáng và cân bằng sáng trong bức ảnh. Do đó, bạn hãy chụp khi tất cả những đám mây đã bay ra xa hơn và để lộ nhiều khoảng không xung quanh mặt trời. Nếu buổi chiều mới mưa thì bầu trời lúc đó sẽ rất trong và bạn chỉ việc “vác máy lên và đi chụp”. 

Sương mù cũng có thể tạo hiệu ứng mềm mại, nhẹ nhàng, nhưng để có được những tấm ảnh như vậy bạn sẽ phải dậy từ rất sớm.

4.jpg

Đem theo một tấm hắt sáng khi chụp ảnh chân dung...

Mặc giờ vàng thường dễ phơi sáng hơn rất nhiều so với ánh sáng trong ngày, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không gặp phải những thách thức, đặc biệt là khi bạn muốn chụp ảnh chân dung. Lúc này, bạn có thể sẽ tạo ra bóng khi chụp ảnh chân dung.

Hãy dùng một tấm hắt sáng để phản chiếu một chút ánh sáng lên khuôn mặt của chủ thể. Bạn nên chọn tấm hắt sáng màu vàng thay vì màu bạc để bức ảnh ấm áp và tự nhiên hơn. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể thêm đèn flash ánh sáng cam hoặc vàng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, chỉ cần ánh sáng tự nhiên và kèm theo tấm hắt sáng là đã đủ để bạn có những bức ảnh chân dung xuất sắc.

5.jpg

….và tripod đối với ảnh phong cảnh

Khi mặt trời chạm tới đường chân trời, bạn sẽ cần chụp phơi sáng lâu hơn. Thay vì chỉ tập trung điều chỉnh thông số ISO và làm tăng độ noise, bạn hãy dùng một chiếc tripod thật vững chắc. Bạn cũng có thể dùng một chiếc điều khiển máy ảnh từ xa và kính lọc ND để kéo dài thời gian phơi sáng.

6.jpg

Tránh sử dụng chế độ cân bằng trắng tự động

Nếu máy ảnh của bạn đang ở chế độ cân bằng trắng tự động, máy sẽ trung hòa các tông màu vàng và khiến chúng trở nên “mát mẻ” hơn. Do đó, hãy đặt máy ở chế độ chụp trong bóng râm (shade) hoặc nhiều mây (cloudy). Hoặc để chủ động kiểm soát được mọi thứ, bạn hãy đặt ở chế độ chỉnh tay hoàn toàn. Và một điều hiển nhiên nữa là hãy chụp ảnh RAW để có thể chỉnh sửa hậu kỳ ảnh dễ dàng hơn khi cần.

Bật chế độ ưu tiên khẩu độ (aperture priority mode)

Ánh sáng trong suốt giờ vàng có thể thay đổi “như chong chóng”, do đó bạn nên cài đặt chế độ ưu tiên khẩu độ để giữ độ sâu trường ảnh trong suốt buổi chụp.

Khẩu độ rộng sẽ phát huy tốt tác dụng với ảnh chụp chân dung, nhất là khi bạn muốn chụp bokeh. Ngược lại, khi muốn chụp phong cảnh, bạn hãy đặt khẩu độ hẹp. Khi mặt trời lặn xuống dưới đường chân trời, bạn có thể tắt chế độ ưu tiên khẩu độ để quay về với chụp bằng tay.

7.jpg

Kết hợp các khoảng tối

Ánh sáng giờ vàng giúp tạo ra những chiếc bóng dài và ảo diệu. Hãy nhớ tập trung phơi sáng ở vùng tối thay vì bầu trời sáng để không bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào.

8.jpg

Chơi trò trốn tìm

Khi giờ vàng bắt đầu, ánh mặt trời vẫn khá sáng và chói. Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để thử nghiệm trước với những chi tiết quan trọng. Hãy đứng sau một vài cây xanh và nhìn ngắm mặt trời qua những kẽ lá hay những khe hở giữa các ngôi nhà.

9.jpg

Kiểm tra lại ảnh

Thông thường khi chụp, ta không nên xem lại trên màn hình sau mỗi bức chụp, có thể việc đó sẽ khiến bạn bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng. Tuy nhiên đối với giờ vàng, điều kiện chụp ảnh thay đổi trong nháy mắt, do đó để “chắc ăn”, bạn nên kiểm tra lại những bức ảnh mình vừa chụp. Hãy xem cả biểu đồ histogram để đảm bảo rằng mặt trời không “thổi bay” mọi vùng sáng trong bức ảnh của bạn.

Chụp ở một vị trí thật cao

Khi mặt trời lặn, nhà cửa và cây cối có thể cản trở tầm nhìn của bạn với mặt trời. Vì vậy, bạn nên tìm đến những vị trí cao như ngọn đồi, trên mỏm đá hay tầng thượng tòa nhà. Những địa điểm như vậy cũng có thể giúp bạn được ngắm giờ vàng lâu hơn do không có vật cản phía trước.

10.jpg

Chụp trong nhà

Bạn cũng có thể tận dụng giờ vàng để chụp ảnh trong nhà. Hãy tìm một không gian có cửa sổ hoặc cửa ra vào thật lớn để đưa vào căn phòng thật nhiều ánh sáng.

11.jpg

Sáng tạo với ánh sáng

Ánh sáng giờ vàng thay đổi rất linh hoạt, hãy di chuyển và thử nghiệm chụp với nhiều phong cách khác nhau. Bạn có thể tạo hiệu ứng lóe sáng khi đặt một vật gì đó lên phía trước và che đi một phần ánh sáng mặt trời. Hoặc bạn cũng có thể che chắn hoàn toàn ánh sáng để tạo ra một cái bóng thật “mượt mà”. 

13.jpg

Đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để chụp những bức ảnh rim light (ánh sáng từ phía sau khiến vùng viền của đối tượng trở nên sáng hơn). Nếu chụp ảnh rim light, bạn nên tìm một khung nền tối để đẩy độ tương phản, giúp ánh sáng viền nổi bật hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm các chi tiết khác như bong bóng, những đồ lấp lánh, vải xuyên thấu hay thậm chí là lăng kính để bẻ cong ánh sáng theo cách mới lạ và độc đáo. Tóm lại, hãy luôn có trong hành trang chụp ảnh những món đồ dành riêng cho việc chụp giờ vàng nhé!

12.jpg

Hãy kiên nhẫn

Trước khi nhìn thấy ánh sáng cam le lói trên mặt sông Li, Tobias Hägg đã suýt “đầu hàng”. Nhiều khi chụp ảnh giờ vàng khiến bạn cảm thấy như đang chạy đua với thời gian, nhưng nó cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên định. 

14.jpg

Có thể không phải lúc nào bạn cũng chụp được những bức ảnh giờ vàng như mong muốn, nhưng bạn vẫn có thể tận dụng những tông màu xanh tím của buổi chạng vạng (còn được nhiều nhiếp ảnh gia gọi là “hoàng hôn thứ hai” - một hiện tượng diễn ra vào khoảng 15-25 phút sau khi mặt trời lặn hẳn, tạo ra những dải màu đỏ và tía trên bầu trời).

Bản quyền dịch: Valor team
Credit: What is the ‘golden hour’ and how can you make the most of it?

Quyền sử dụng hình ảnh và những điều bạn cần lưu ý khi chụp ảnh thương mại

Quyền sử dụng hình ảnh và những điều bạn cần lưu ý khi chụp ảnh thương mại

Chụp ảnh phong cảnh và những điều nhiếp ảnh gia nào cũng nên nắm rõ

Chụp ảnh phong cảnh và những điều nhiếp ảnh gia nào cũng nên nắm rõ