Urban exploration - “Tất tần tật” những gì nhiếp ảnh gia cần lưu ý khi khám phá các công trình bỏ hoang

Urban exploration - “Tất tần tật” những gì nhiếp ảnh gia cần lưu ý khi khám phá các công trình bỏ hoang

1.jpg

Đó là một đêm tháng Một, Mark O’Neill đã dũng cảm vượt qua thời tiết lạnh -20°C khi tìm tới những công trình bị lãng quên ẩn mình trong vùng đất tĩnh lặng và băng giá tại Serbia. Phía trên cao nguyên là một bầu trời cao, trong, vô cùng thoáng đãng. Vô tình, anh tìm thấy một căn cứ không quân (ảnh trên). Phần lớn công trình này đã bị phá hủy sau Cuộc thả bom vào nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư của NATO trong Xung đột Kosovo những năm 1999.

Thời tiết lạnh tới mức đóng băng cả bộ râu trên mặt, nhưng anh nhất quyết không bỏ cuộc. Mark chia sẻ rằng: “Đầu tiên, chúng tôi tìm thấy dải băng đỏ báo hiệu có mìn dưới đất, rồi sau đó mới tìm thấy căn cứ không quân kiên cố này”. Kết quả là anh đã đem về nhà được một bức ảnh phơi sáng “tuyệt cú mèo” về bầu trời đêm đầy sao đáng nhớ của hôm đó.

Đây là những khoảnh khắc khiến những người đam mê khám phá các công trình bỏ hoang luôn thích “lục lọi” mọi ngóc ngách trên hành tinh để tìm tới những tòa nhà, đường hầm hay hang tối bị lãng quên. Khám phá công trình bỏ hoang (Urban exploration, hay còn được gọi tắt là Urbex) là xu hướng nổi lên trong những năm gần đây, khi mà tất cả mọi người từ nhà khảo cổ học, lịch sử học cho tới nhiếp ảnh gia đều bắt đầu hành trình tìm kiếm những công trình kiến trúc bị tàn phá tại các thành phố trên toàn thế giới.

Nhiếp ảnh Urbex bao gồm những nhiếp ảnh gia chụp nhiều chủ thể khác nhau, từ những công trình kiến trúc bị bỏ hoang (như nhà, trường học, bệnh viện) cho tới nhà máy điện, công viên giải trí và nhiều thứ khác nữa. Tất cả đều chung một niềm đam mê với những khía cạnh, những câu chuyện ít ai biết tới chôn vùi bên trong những thành phố. Hãy cùng tham khảo những lời khuyên của 500px và tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những bức ảnh tuyệt vời của các thành viên trong cộng đồng 500px nhé!

2.jpg

Lukas Rodriguez chụp Công viên nước Lake Dolores - một công viên bị bỏ hoang tại sa mạc Mojave. Mở cửa vào đầu những năm 1960, công viên này đã bị bỏ hoang hơn một thập kỷ và trong một vài năm tới sẽ được cải tổ thành khu vui chơi bên đường. Vì vậy, bức ảnh này được coi là đã chụp được khoảnh khắc quý giá của công viên trước khi được xây dựng lại.

Về an toàn

Chụp ảnh urbex hiển nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro, đôi khi có cả những nguy hiểm, trong khi sự an toàn của bạn luôn quan trọng hơn bất kỳ bức ảnh nào. Do đó, hãy luôn chuẩn bị thật tốt và thận trọng trong quá trình tác nghiệp. Bạn có thể đi cùng bạn bè hay động nghiệp, và khi bắt đầu cuộc hành trình, hãy kể cho ai đó biết về việc bạn đang đi đâu và khi nào sẽ trở về.

Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi trước kinh nghiệm của những nhà khám phá, nhiếp ảnh gia đã từng đặt chân tới địa điểm mà bạn chuẩn bị tới. Có rất nhiều cộng đồng nhiếp ảnh gia urbex trên khắp thế giới đang hoạt động sôi nổi và mạnh mẽ, vậy nên đừng làm mọi thứ một mình nhé!

Một điều quan trọng và sẽ rất hữu ích cho hành trình của bạn là nghiên cứu về nhiệt độ, chất lượng không khí và cả những chướng ngại vật tại địa điểm chụp của bạn. Mỗi nơi lại đòi hỏi nhiếp ảnh gia cần có những công cụ và đồ dự phòng khác nhau. Bạn hãy dành ra một vài ngày hoặc vài tuần trước khi đi để lên kế hoạch chi tiết nhất về chuyến đi của mình. Hơn nữa, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận bất kỳ điều bất ngờ nào xảy đến với mình trong cuộc hành trình.

Chẳng hạn, những tòa nhà bị bỏ hoang thường không kiên cố, những đường hầm hay các khu khai thác mỏ có thể chứa các chất hóa học hay nấm độc hại, hoặc lượng oxi có thể sụt giảm khi xuống sâu dưới lòng đất. Trong những khu vực cần thiết, bạn nên đeo mũ bảo hộ, dùng đèn pin đội đầu, mặt nạ, máy thở oxi và các loại thiết bị khác. Những nơi có chứa a-mi-ăng hay phân chim thậm chí còn có thể gây tổn hại đến phổi của bạn về sau. Bạn cũng nên chú ý nếu đi vào trời mưa, vì những cấu trúc yếu thường sẽ nguy hiểm hơn khi bị ướt. 

3.jpg

Kaleb Jordan chụp ảnh Nhà thờ Giám lý Thành phố tại Gary (Bang Indiana, Mỹ). Đây là công trình phục hồi kiến trúc Gothic đồ sộ bị bỏ lại sau cơn suy thoái của ngành thép. Năm 2019, nhà thờ đã được đánh dấu là di tích lịch sử và đang chuẩn bị được cải tổ thành một vườn cây.

4.jpg

Iain Bolton chụp khung cảnh tại Bệnh viện Pripyat trong Vùng loại trừ Chernobyl. Trước thảm họa, Pripyat là nơi sinh sống của 50,000 người với nhiều trường học hàng quán, trung tâm văn hóa… Trước khi bị sơ tán, bệnh viện này là nơi cứu chữa những người bị nhiễm phóng xạ.

5.jpg

Nhiếp ảnh gia người Pháp Rudy Barret khám phá ra một ngôi nhà cũ bị bỏ hoang và đăng tải bức ảnh chụp ngôi nhà với dòng chia sẻ: “Chúng ta đã dành cả cuộc đời nói lời tạm biệt với những người ra đi, cho tới một ngày, ta nói lời tạm biệt với những người ở lại.”

Các vấn đề về luật pháp

Có những nơi mở cửa tự do cho bạn khám phá, nhưng cũng có những nơi cấm người qua lại. Trước khi đi, bạn nên tìm hiểu trước khu vực đó thật kỹ càng để biết mình có thể xin xác nhận từ ai để được vào trong. Đây cũng là cơ hội để bạn tham khảo nhiều thông tin hơn về cấu trúc và lịch sử của công trình.  

Tại nhiều nơi, có thể bạn sẽ không được phép bước vào trong, nhưng cũng có nhiều người trong cộng đồng urbex chọn cách… cứ thế đi vào, miễn là cửa không khóa. Lúc này, quy tắc quan trọng nhất là không gây hại tới công trình, không cầm đi thứ gì và cũng không được để lại bất kỳ thứ gì khi bạn rời đi. Nếu bạn tình cờ bị lực lượng an ninh bắt gặp, hãy thành thật giải thích lý do và nói về những gì bạn đang làm ở đó.

6.jpg

Nhiếp ảnh gia urbex tài năng Yuto Yamada đã tìm tới Đài tưởng niệm Buzludzha (trên núi Kazanlak, Bulgaria) - hay còn được gọi là “UFO”, nơi những nhà thám hiểm địa phương bắt đầu khám phá từ những năm 1990. Đài tưởng niệm này đóng cửa từ khi Liên bang Sô Viết sụp đổ. Hiện nay, khu vực này được bảo vệ 24/7 và ngăn không cho khách du lịch khám phá bên trong.

Dụng cụ đem theo

Như đã đề cập ở phần phía trên, những dụng cụ bạn đem theo phụ thuộc vào địa điểm mà bạn chuẩn bị tới. Tuy nhiên ở trong hầu hết tất cả các trường hợp, bạn cần ít nhất là một đôi giày hoặc ủng thật tốt và một chiếc đèn pin (hoặc đèn đeo đầu). Ngoài ra, bạn cũng có thể cần tới chân máy ảnh (tripod), khăn lau ống kính máy ảnh (phòng trường hợp độ ẩm cao) và quần áo bảo hộ phù hợp.  

Bạn có thể không nhất thiết phải sắm những trang bị đắt đỏ nhất, để phòng trường hợp làm hư hại chúng trong quá trình khám phá. Tuy nhiên, bạn có thể đem theo một vài loại ống kính chuyên dụng, chẳng hạn, nhiều nhiếp ảnh gia urbex luôn đem theo ống kính góc rộng để phòng khi gặp những không gian chật hẹp.

7.jpg

Nhiếp ảnh gia Stefan Baumann chụp lại nội thất của một nhà hát bỏ hoang tại Áo. Hiện tại công trình này đang được tu bổ lại. 

Về địa điểm chụp

Nhờ “chị Google”, bạn có thể tìm ra hàng tá địa điểm thú vị. Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm từ thị trấn nơi mình đang sống bằng cách tham khảo thông tin trên mạng hay từ thư viện lịch sử của địa phương (nếu có).

Tiếp theo, bạn có thể tham gia hoặc lập một nhóm với những nhà thám hiểm và nhiếp ảnh gia địa phương. Đây sẽ là những người đồng hành cùng bạn trong quá trình khám phá những địa điểm mới. Hàng xóm quanh khu bạn ở cũng có thể là một nguồn thông tin hữu ích, đặc biệt là những người từng sinh sống nhiều năm tại đó. Một cách khác nữa là bạn liên hệ với những sử gia hay nhà bảo tồn trong khu vực. 

Cuối cùng, bạn dùng bản đồ vệ tinh của Google để xem trước những địa điểm đó. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì những gì mình tìm thấy đấy! 

8.jpg

“Điều gì đã xảy ra ở đây vậy nhỉ?” - Nhiếp ảnh gia Daniel Schmitt thốt lên khi tới thăm Maison Kirsch, một ngôi nhà kết hợp trang trại ở Luxembourg (được cho là đã bị chủ nhà bỏ hoang từ những năm 1960). Vào thế kỷ 18, ngôi nhà này từng là một xưởng sản xuất rượu.

9.jpg

Leon Beu đã tìm thấy một góc hoài niệm cực dân dã trong một căn bếp bỏ hoang ở Albania.

Về tính bảo mật của địa điểm chụp

Trong cộng đồng urbex, thông thường mọi người sẽ không chia sẻ rộng rãi về địa điểm chụp vì những địa điểm này sẽ có thể nhanh chóng trở nên đông đúc vì có nhiều người biết đến, từ đó gây ra những thiệt hại nhất định tới công trình cũng như ảnh hưởng tới sự an toàn công cộng. Những nhà thám hiểm còn non kinh nghiệm có thể dễ gặp tai nạn, và không phải ai cũng thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc “không để lại dấu vết”. 

Do đó, nếu muốn chia sẻ địa điểm chụp của mình, bạn nên chỉ chia sẻ với những người bạn thực sự tin tưởng. May thay, một khi những nhiếp ảnh gia urbex đã nhận thấy bạn là người nghiêm túc và thực sự tâm huyết với lĩnh vực này, họ sẽ sẵn sàng chỉ cho bạn một vài nơi bí mật của họ. Vậy nên bạn có thể tham gia vào các diễn đàn hay hội nhóm trên mạng xã hội dành riêng cho những người có cùng đam mê giống bạn, nhưng hãy nhớ thực hiện nghiêm chỉnh theo những nguyên tắc được đề ra. Nếu có ai đó từ chối chia sẻ với bạn, hãy tôn trọng quyết định của họ.

10.jpg

Điểm cao nhân tạo Teufelsberg tại thành phố Berlin, ảnh chụp bởi Simon Alexander. Trước đây, nơi này từng là trạm nghe ngóng và do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), sau đó bị bỏ hoang sau vụ sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Ngày nay, những câu chuyện phía sau lịch sử của Teufelsberg vẫn còn bỏ ngỏ. 

Bản quyền dịch: Valor team
Credit: Urban exploration | The essential guide for photographers

Chụp ảnh phong cảnh và những điều nhiếp ảnh gia nào cũng nên nắm rõ

Chụp ảnh phong cảnh và những điều nhiếp ảnh gia nào cũng nên nắm rõ

6 mẹo giúp bạn tránh gặp vấn đề về bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ trong nhiếp ảnh thương mại

6 mẹo giúp bạn tránh gặp vấn đề về bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ trong nhiếp ảnh thương mại