“Ngỡ ngàng” trước 7 loại ảnh chụp yêu cầu quyền sử dụng hình ảnh
Vài năm trở lại đây, nhiều công ty từ chuỗi siêu thị đến bất động sản đã vướng phải nhiều vụ “lùm xùm” liên quan đến quyền sử dụng hình ảnh trong quảng cáo in và truyền hình. Trong bối cảnh hiện nay, các thương hiệu trên khắp thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến hình ảnh.
Các nền tảng chụp ảnh thương mại như 500px và các nhà phân phối cũng triển khai cung cấp quyền sử dụng hình ảnh. Mục đích chính là bảo vệ các cộng tác viên và khách hàng của họ khỏi những rắc rối về bản quyền.
Ngày nay, các nguyên tắc và hạn chế trong việc cấp quyền ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Đây là 7 trường hợp “bất ngờ” mà bạn cần bảo đảm quyền sử dụng hình ảnh để được cấp phép cho mục đích thương mại.
Ảnh xoá phông
Ngày nay, hình ảnh dạng lifestyle này sẽ cần quyền sử dụng hình ảnh để được cấp phép thương mại. Tuy nội thất tương đối tối thiểu, nhưng chủ nhân ngôi nhà vẫn có thể nhận ra, có nghĩa họ vẫn phải ký tên lên tờ cấp quyền sử dụng hình ảnh.
Thực tế là một số yếu tố khác như tủ đồ, cây cối hoặc mặt bàn xuất hiện ở hậu cảnh dù đã được làm mờ nhưng vẫn cần được cấp quyền. Bởi vì đó có thể là căn cứ để xác định không gian của ảnh chụp. Các yêu cầu về quyền sử dụng hình ảnh tương tự sẽ áp dụng cho hầu hết mọi ảnh góc rộng có nội thất, ngay cả khi chúng không phải tâm điểm của bức ảnh.
Ảnh ngoại cảnh
Hình ảnh của bạn sẽ không còn là cảnh quan thành phố nếu có ít hơn ba tòa nhà trong khung ảnh. Và khi đó, bạn sẽ cần phải xin cấp quyền sử dụng hình ảnh. Điều này cũng tương tự với việc góc chụp của bạn tập trung vào một tòa nhà hơn những tòa nhà khác. Nhưng mỗi trường hợp lại có cách kết luận khác nhau về việc toà nhà đó có là trọng tâm chính trong bức ảnh hay không. Vì vậy hãy xem một số gợi ý đơn giản sau nhé.
Những bức ảnh chụp cảnh quan thành phố hoặc đường chân trời đôi khi có thể sử dụng mà không cần xin cấp phép. Nhưng kiến trúc hiện đại và ngoại thất tòa nhà lại là một chuyện khác, nhất là khi chúng đặc biệt hoặc dễ nhận biết.
Tùy từng vị trí mà mức độ bảo vệ cũng sẽ khác nhau. Ví dụ Tháp John Hancock ở Boston có thể được chụp như một phần của cảnh quan thành phố, nhưng bạn không thể lấy nó làm chủ thể chính trong hình ảnh của mình. Mặt khác, các khách sạn ở Las Vegas lại được kiểm soát chặt chẽ hơn và không cho phép chụp ảnh với bất kỳ mục đích thương mại nào.
Dù vẫn được bảo vệ bởi quyền sử dụng hình ảnh nhưng bạn sẽ không gặp rắc rối khi chụp với tài sản công. Và có thế nào đi nữa, bạn vẫn nên tìm hiểu kỹ về những gì bạn sẽ đưa vào khung ảnh trước khi lên kế hoạch cho buổi chụp hình nhé.
Khu vườn điển hình
Nếu người bạn của bạn có sân sau trông giống như tác phẩm trong Architectural Digest, thì khả năng cao là bạn sẽ cần phải có quyền sử dụng hình ảnh để đưa nó vào ảnh của mình. Không giống như các công viên thuộc sở hữu công, các khu vườn tư nhân cũng có quyền sử dụng hình ảnh tương tự như không gian nội thất. Điều này cũng áp dụng cho bất kỳ công trình kiến trúc nào được xây dựng trên đất thuộc sở hữu tư nhân.
Ngay cả những khu vườn mở cửa cho tất cả mọi người cũng có thể không cho phép chụp ảnh thương mại. Ví dụ: các bức ảnh chụp Công viên Lurie ở Chicago hoặc Vườn bách thảo Jardim ở Brazil sẽ không thể được cấp phép thương mại vì những địa điểm này đã được bảo vệ.
Hình xăm có thể nhận diện
Hình xăm tiềm ẩn nhiều vấn đề về bản quyền. Nếu người trong ảnh nhận ra chính mình, bạn phải được cấp quyền sử dụng hình ảnh của người mẫu. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn cũng cần thợ xăm cấp quyền sử dụng hình ảnh vì hình xăm nghệ thuật là tài sản trí tuệ của họ. Để đơn giản hoá thủ tục cấp phép thương mại, tốt nhất bạn nên tránh các trường hợp trong đó hình xăm là chủ đề chính của bức ảnh.
Trong một vụ việc chấn động năm 2005, một nghệ sĩ tên là Matthew Reed đã đệ đơn kiện, khi hình xăm anh ta tạo ra cho cầu thủ NBA Rasheed Wallace xuất hiện nổi bật trong một quảng cáo của Nike. Tuy khiếu nại đó đã được giải quyết bằng thương lượng, nhưng nó đại diện cho hậu quả tiềm ẩn của việc sử dụng hình xăm trong các hình ảnh thương mại. Các thương hiệu và nền tảng thương mại tốt hơn hết là tránh xa những tình huống như thế này.
Bạn cũng cần phải hết sức thận trọng ngay cả khi hình xăm chỉ là một yếu tố ngẫu nhiên trong ảnh. Như ai đó tình cờ có vết xăm lọt vào ảnh chân dung hoặc ảnh lifestyle của bạn. Với hình xăm logo thương hiệu trên người mẫu, bạn có thể bị coi là xâm phạm tài sản của công ty. Để giải quyết việc này, bạn có thể tạo dáng hoặc mặc những trang phục che khuất hình xăm, hay đơn giản là chỉnh sửa trong quá trình xử lý hậu kỳ.
Tác phẩm nghệ thuật
Tất cả các tác phẩm nghệ thuật đóng vai trò là chủ thể chính trong bức ảnh đều cần có quyền sử dụng hình ảnh. Ngay cả khi đối tượng thuộc sở hữu của bạn thì nghệ sĩ tạo ra tác phẩm đó vẫn là người sở hữu bản quyền. Trường hợp đồ trang trí nội thất trong nhà như các bức tranh vẽ trên tường hoặc tác phẩm điêu khắc trên lớp phủ là ví dụ điển hình.
Người mua và các đơn vị cung cấp hình ảnh thương mại có xu hướng lựa chọn những hình ảnh có kèm theo quyền sử dụng hình ảnh. Vì nó như một loại “bảo lãnh” họ khỏi các vụ kiện tụng có thể xảy ra. Với một số ảnh in được treo trên tường, đừng quên cấp quyền khi chúng “góp mặt” vào ảnh chụp nội thất của mình.
Hãy ghi nhớ rằng, dù ảnh được chụp tại nơi công cộng không có nghĩa là chúng sẽ được cấp phép cho mục đích thương mại. Bạn sẽ thấy quy tắc này trong nghệ thuật tranh phun sơn (graffiti) và nghệ thuật đường phố. Cách đây vài năm, một nghệ sĩ graffiti người Thụy Sĩ đã gây xôn xao dư luận khi đệ đơn kiện General Motors vì những bức tranh của anh ta xuất hiện trong một loạt các bức ảnh thương mại. Nếu bạn muốn đưa tác phẩm nghệ thuật đường phố vào hình ảnh của mình, hãy tìm nghệ sĩ và nhờ họ ký tên vào mẫu cấp quyền sử dụng hình ảnh. Nếu không được, chỉ còn cách đừng để nó lọt vào khung hình của bạn.
Hoa văn trang trí
Các thiết kế dạng tác phẩm nghệ thuật là tài sản trí tuệ và các thương hiệu ngày càng thận trọng trước các vi phạm tiềm ẩn. Hãy nhớ về vụ kiện của Burberry với Target vì cáo buộc sao chép mẫu hoa văn kẻ ô vuông của họ.
Vật dụng trang trí cho ngôi nhà như đồ nội thất đặc biệt, chăn dệt kim có hoa văn độc đáo có thể được sử dụng cho mục đích cá nhân nhưng chúng không được sử dụng cho mục đích thương mại. Khi không chắc chắn, hãy liên hệ với nghệ sĩ và yêu cầu được cấp quyền sử dụng hình ảnh. Nếu bạn không thể tiếp cận họ hoặc điều đó không đáng để vướng phải rắc rối, chỉ cần loại trừ thiết kế khỏi khung hình của bạn hoặc chỉnh sửa nó trong quá trình xử lý hậu kỳ.
Khi nói đến chụp ảnh đời thường trong bối cảnh nội thất. Nếu một nghệ sĩ hoặc nhà thiết kế có thể nhận ra tác phẩm của họ trong hậu cảnh, bạn cần phải có chữ ký để ảnh được cấp phép cho mục đích thương mại. Ngay cả khi các thiết kế và tác phẩm nghệ thuật chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khung hình. Vì vậy, hãy lựa chọn phông nền phía sau càng chung chung càng tránh được nhiều rắc rối.
Địa điểm công cộng thuộc sở hữu tư nhân
Nhiều địa điểm được xem là công cộng vì chúng mở cửa cho tất cả mọi người, lại thực sự thuộc sở hữu tư nhân. Những khu vực đó bao gồm trung tâm mua sắm, một số công viên, trung tâm và quảng trường.
Một số ví dụ cụ thể về các khu vực không chấp nhận chụp ảnh thương mại bao gồm Giao lộ Piccadilly ở London, Hội đồng Thương mại Chicago và Thư viện Công cộng Boston, đồng hồ ở Grand Central Concourse tại NYC, Thuyền thiên nga ở Vườn công cộng Boston và Cầu đi bộ BP ở Chicago. Tất cả đều cấm chụp ảnh cho mục đích thương mại. Mỗi địa điểm sẽ có các quy tắc và quy định khác nhau, vì vậy hãy luôn tìm hiểu thật kỹ nếu bạn không muốn vướng phải rắc rối.
Bản quyền dịch: Valor team
Credit: 7 unexpected images that would require a property release and why