Valor Studio

View Original

Chia sẻ kinh nghiệm làm nghề chụp ảnh nội thất, kiến trúc

13 kinh nghiệm làm nghề chụp ảnh nội thất, kiến trúc của mình

Mình bắt đầu chụp ảnh nội thất cách đây hai năm. Trước đó mình là một freelancer. Mình thử đủ thể loại từ thiết kế đến chụp ảnh cưới. Vì thế tuy mới hai năm nhưng mình đã có kinh nghiệm tích luỹ rất nhiều từ các ngành trước. Mình có sẵn nền tảng để mình đỡ phải đi học và va vấp thêm. Vì thế mình bắt đầu studio chụp ảnh nội thất này khá thuận lợi.

Bài này chỉ là một bài ngắn tổng hợp lại các kinh nghiệm mà mình đã học, va vấp qua hai năm qua để các bạn dễ dàng bắt đầu thuận lợi như mình.

1. Hãy khởi đầu nhỏ

Đừng tốn quá nhiều tiền đầu tư vào máy ảnh, ống kính, các thiết bị đắt tiền ngay từ đầu. Thật sự thiết bị không đem lại hiệu quả về mặt hình ảnh nhiều. Phần hậu kỳ vẫn chiếm một tỉ lệ cao trong hiệu quả hình ảnh. Máy ảnh tầm trung cấp thì file ảnh sẽ nhẹ. Việc hậu kỳ sẽ dễ. Máy tính cũng không cần phải quá mạnh.

Bạn có thể xem qua bài Người mới chụp ảnh nội thất cần mua gì?

2. Đầu tư trải đều và đầy đủ.

Tuy khởi đầu nhỏ nhưng nên đầu tư trải đều và đầy đủ. Đừng quá nghiêng về một phần nào đó trong việc lập kế hoạch. Nên đầy tư đầy đủ thiết bị như tripod đàng hoàng. Tránh việc một cái máy 50 triệu trên một cái tripod chỉ 2 triệu. Làm việc không hiệu quả. Chừa một khoản tiền cho việc vận hành, marketing. Mình có nói về việc Bắt đầu một studio chụp ảnh như thế nào?. Cụ thể ví dụ chính công việc mình đang làm.

3. Đầu tư cho portfolio

Bắt đầu chụp ảnh nội thất các công trình công cộng, chụp trường bạn đang học, chụp khuôn viên bảo tàng, căn hộ của bạn bè... Rất nhiều công trình đẹp và miễn phí đang cần bạn chụp.

Sau đó thì bạn chưa có portfolio đẹp được ngay. Hãy xin chụp miễn phí cho các quán cafe, các căn hộ. Đưa họ xem những hình ảnh bạn đã chụp công trình công cộng. Cứ inbox fanpage của họ và xin phép. Chắc chắn 10 lần xin sẽ được đồng ý 2 3 lần là bình thường.

Mình cũng bắt đầu bằng cách xin chụp các shop thời trang thuộc hàng top fashion brand với giá rất ưu đãi bằng portfolio chụp sự kiện các nhãn hàng quốc tế của mình. Đừng ngại thử sức.

4. Sưu tầm những địa điểm đẹp trong portfolio

Cố gắng có những địa điểm đẹp trong portfolio. Cố gắng đa dạng hoá thể loại chụp trước. Mỗi thể loại công trình mới thì nên giảm giá hết mức để có việc. Đây cũng là một khoản đầu tư. Nếu gặp một công trình quá thú vị và đẹp. Cứ miễn phí để lấy portfolio.

5. Form làm việc và giấy tờ

Phải có sẵn bảng mẫu câu hỏi dành cho khách hàng theo từng thể loại. Ví dụ như chụp ảnh nội thất phải có bộ câu hỏi như:

  • Thể loại công trình?

  • Diện tích công trình?

  • Với thể loại công trình cụ thể thì phải hỏi số không gian? Ngoại thất như thế nào?

  • Thời gian chụp công trình tối ưu?

  • Khách hàng chuẩn bị trang trí thêm nữa không?

  • Có chụp flycam hay view tổng quan trên cao không?

Nên có bảng giá khung sẵn cho từng thể loại và từng hạng mục. Cái này bạn phải tự xây dựng cho mình. Khách hàng hỏi là cứ theo khung mà làm việc. Rất nhanh và gọn lẹ.

Nên có thông tin ghi chú lại khách hàng khi hỏi giá, trao đổi và điều khoản công việc. Ví dụ như tên tuổi, thông tin liên lạc, địa điểm công trình, thời gian gặp nhau, thời gian bắt đầu việc, contact dự phòng hoặc contact quản lý nơi chụp... Càng rõ ràng càng giúp bạn lên lịch trình chính xác.

Đính kèm báo giá đã in vào hợp đồng. Hợp đồng nên có nội dung ngắn gọn, tập trung vào các điều khoản và thông tin để làm việc.

6. Google Calendar

Ghi chú tất cả thông tin lịch chụp vào google calendar. Ghi chú thông tin về liên hệ, báo giá, địa điểm, thời gian gặp, thời gian dự trù... Mình chưa bao giờ quên lịch chụp hay sai sót gì trong khi làm việc với khách hàng chỉ nhờ các ghi chú trong google calendar. Đây là app thật sự tốt để bạn lên lịch trình công việc. Và nó miễn phí.

7. Nên có một bảng excel kế toán

Nên có một bảng excel làm kế toán. Mình để hình ví dụ ở dưới cho bạn dễ hình dung. Bạn sẽ nắm được thu chi rõ ràng, khách hàng nào còn công nợ, chi trả cho supplier, lấy giấy tờ thuế, chứng từ... Tổng kết được thu nhập và đo hiệu quả làm việc.

Hoặc có thể dùng các app kế toán dành cho freelancer, công ty nhỏ khi đã có rất nhiều khách hàng rồi. Các app này có một điểm lợi là giúp bạn làm báo giá và hoá đơn. Quản lý được dòng tiền, khách hàng, sản phẩm. Mình sẽ hướng dẫn bạn bằng một bài riêng biệt với các app này. Trước mắt bắt đầu nên dùng excel vì nó miễn phí và đủ dùng rồi. Khi nào bạn có khoảng trên 30 khách hàng một tháng, hãy dùng đến app kế toán.

8. Công cụ chăm sóc mạng xã hội

Nên tìm hiểu các công cụ giúp marketing. Ví dụ dùng chức năng lên lịch sẵn có của fanpage, app ViralTag hay các dạng app chạy theo điều kiện “IFTTT” để post bài theo lịch trình. Bạn sẽ đỡ mất thời gian phải nhớ lịch lên bài. Bạn nên dành ra hẳn 3 4 ngày để lên nội dung theo lịch trình trong vòng 1 2 tháng. Chất lượng bài viết sẽ đồng đều và tốt hơn. Và thời gian tiết kiệm để chuyên tâm làm việc khác. Các app này khá tốn kém. Khoảng 20$/tháng. Mình thấy đáng giá với số thời gian mình đã tiết kiệm được. Mình cũng sẽ lên lịch bài hướng dẫn app sớm :D

9. Lấy brief từ khách hàng kỹ càng

Đôi lúc khách hàng còn không nhớ dặn dò mình. Phải hỏi khách hàng rõ ràng về hình mẫu khách hàng thích. Hoặc bộ hình nào của mình họ thích.

Hỏi họ về style hình, thiên sáng hay tối cho công trình này. Chụp rộng hay hẹp. Màu lạnh hay màu ấm. Số ảnh cần dùng. Những view nào buộc phải có... Càng rõ càng tốt về hình dung của bộ ảnh sắp chụp.

10. Chỉnh chu từ lúc chụp

Cố gắng lấy file hình hoàn thiện càng ổn càng tốt ngay lúc chụp. Đừng để việc cho hậu kỳ quá nhiều. Bạn không muốn xoá một cái thùng rác trong ảnh lúc hậu kỳ đâu.

Cố gắng tối ưu workflow. Đừng nghĩ việc bỏ cả ngày ra chỉnh sửa hình ảnh là có tâm. Việc bạn tối ưu workflow sẽ giúp quy trình tránh được sai sót. Chất lượng ảnh sau hậu kỳ rất đồng đều với các action cân chỉnh cho từng trường hợp. Mình rất quan trọng khâu hậu kỳ nên cũng xây dựng form workflow rõ ràng cho từng thể loại. Công việc xong rất nhanh. Khách hàng nào cũng mong có hình sớm sau khi chụp. Việc bạn làm nhanh gọn lẹ vừa tốt cho mình và vừa kịp deadline với khách hàng.

11. Lưu trữ và đặt tên file khoa học

Thường mình đi chụp về mình sẽ tạo một folder như:

“20200401 - Valor Studio - Urban Apartment”

Trong đó 2020 là năm chụp, 04 là tháng, 01 là ngày. Việc sắp xếp này sẽ giúp bạn dễ truy xuất hình ảnh theo thứ tự thời gian.

Valor Studio chính là tên của khách hàng. Nên dùng tên công ty.

Urban Apartment là tên sản phẩm, tên địa danh, tên khu căn hộ...

Bạn có thể truy xuất lại công việc theo mốc thời gian, tổng hợp job cho khách hàng, nhớ được sản phẩm đã chụp. Tuỳ bạn có thể sáng tạo thêm các thành tố thêm như thể loại ảnh, địa danh, dòng sản phẩm...

Tên file ảnh mình sẽ đặt theo thứ tự như vậy nhưng mình để trong từng folder theo tiến trình làm việc. Ví dụ như hình dưới.

Bạn nên nhóm chung các folder job của khách hàng chung một folder tổng để dễ truy xuất.

12. Tham khảo địa điểm chụp

Tham khảo trước địa điểm chụp trên mạng. Xem hình nơi đó có chưa, như thế nào. Xem các trang liên quan xem họ đã nói gì. Nếu may mắn bạn sẽ biết được nhiều thông tin thêm về nơi đó. Địa thế, hướng sáng, thời điểm đẹp nhất, kiến trúc, công năng đặc biệt... Hoặc có thể hỏi luôn khách hàng nơi chụp có những điểm nào đặc biệt cần lưu ý. Xin hình ảnh 3D render nếu được để xem ideas gốc từ ban đầu để so sánh với thực tế. Và hiểu được góc chụp mong muốn của khách hàng.

13. Chuẩn bị thật đầy đủ trước khi làm việc

Kiểm tra dụng cụ, sắp xếp máy móc cũng là thú vui của mình trước lúc đi chụp. Tới địa điểm chụp hãy dành thời gian để đi dạo một vòng. Kiểm tra sắp xếp, dọn dẹp đồ dư thừa. Kê lại bàn ghế, vật dụng đàng hoàng ngay ngắn. Sạch sẽ và gọn gàng phải được ưu tiên. Bạn có thể xem bài Hướng dẫn chụp ảnh nội thất đẹp. Đây cũng là một phần trong bài đó.

Bài này mình viết dựa trên những gì mình được đọc, được học, được feedback. Mong các bạn vui với cái nhánh chụp ảnh khô khan này.

Credit: Valor Huynh