Valor Studio

View Original

Bỏ túi 11 bí quyết chụp ảnh film

Năm 2008, Polaroid tuyên bố chấm dứt sản xuất máy ảnh film. Nhưng đột nhiên “boy from nowhere” Florian “Doc” Kaps đã mua lại nhà máy sản xuất Polaroid cuối cùng còn sót lại ở Hà Lan với giá 180.000 Euro. “Dự án bất khả thi” mà anh đã từng ấp ủ chính là hồi sinh ngành nhiếp ảnh film tưởng như sắp chìm vào quên lãng.

Hơn một thập kỷ sau, mục tiêu của Kaps đã có tiến triển tích cực. Những năm gần đây, công ty đã trình làng máy ảnh mới mang thương hiệu Polaroid Originals vào thị trường phổ thông. Về phía mình, Kaps cũng tiếp tục tập trung nỗ lực vào ảnh film bóc rời. Năm nay, PDN đã vinh danh anh là một trong tám “Thiên thần hộ mệnh của nhiếp ảnh film.”

Ảnh film khơi lại quá khứ nhưng cũng gợi mở tương lai. Khi các công ly liên tục tung ra các phiên bản mới, sức nóng của ảnh film có vẻ như chưa từng hạ nhiệt qua thời gian. Bức ảnh âm bản có tuổi đời lâu nhất là từ năm 1835. Và hiện nay, bạn có thể tìm thấy những bức ảnh film mới nhất bằng các hashtag phổ biến như #FilmIsNotDead và #ShootFilmNotMegapixels. 

Để tôn vinh sự tái xuất của ảnh film, chúng tôi đã tổng hợp các mẹo sau đây dành cho bạn.

Lướt qua nhiều loại ảnh film

Bắt đầu với ảnh film cũng giống như khi bạn bước vào một cửa hàng kẹo. Loại film bạn chọn sẽ quyết định màu sắc, độ sáng và độ hạt cho hình ảnh. Và cách tốt nhất để bạn có thể lên tay đó chính là trải nghiệm và vấp ngã đó.

Hai năm trước, TIME đã phỏng vấn 6 nhiếp ảnh gia huyền thoại và đúc kết một danh sách ngắn gọn các dòng film đẹp nhất hiện có. Từ dòng đơn sắc 35mm có Kodak Tri-X 400 đến ảnh film khổ lớn như Kodak Portra 160. Đối với film đen trắng, dòng Ilford HP5 + 400Fomapan 400 sẽ phù hợp với bạn. Còn Lomography Color 400Fuji Pro 400H sẽ cho bạn film màu thuần (solid color).

Sau khi bạn đã thử qua tất cả các dòng, hãy tìm hiểu tường tận cái bạn ưng nhất và dùng thật hiệu quả nhé. Đừng quên nghiên cứu cách nó hoạt động trong các điều kiện khác nhau như ánh sáng gay gắt, thời tiết u ám, nội thất… và cách bạn có thể tận dụng nó.

Bắt đầu với một chiếc máy ảnh và cuộn film giá “hạt dẻ”

Bạn không nên bắt đầu với một chiếc máy ảnh đắt tiền. Loại 35mm hoặc 120mm đã đủ để bạn “giải ngố” vì chất lượng tốt mà giá cả cũng phải chăng. Nếu bạn muốn được thoải mái lựa chọn nhiều dòng khác nhau, bạn nên nghĩ đến việc đi thuê hoặc mượn máy ảnh của bạn bè.

Bạn cũng có thể sẽ muốn thử sức với loại film hiếm và đắt tiền, nhưng điều này thực sự không phải ý hay đâu. Bạn nên để dành sử dụng nó cho sau này, còn trước tiên thì nên chọn thứ gì đó rẻ hơn để tìm hiểu và trải nghiệm các thông số khác nhau.

Chọn ống kính có tiêu cự cố định

Đối với máy film 35mm thủ công, bạn nên chọn ống kính fix 35mm hoặc 50mm thay vì các ống kính zoom. Dòng này sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình tốt hơn, cung cấp khẩu độ rộng hơn cũng như chất lượng ảnh sắc nét hơn. Chúng rất dễ sử dụng, đặc biệt nếu bạn muốn điều chỉnh mọi thứ theo cách thủ công. Nếu bạn cần phóng to, chỉ cần tiến lại gần đối tượng của bạn hơn. Nó đã đồng hành cùng Cartier-Bresson từ những năm 1940, và vẫn hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Phơi sáng vùng tối

Một khi quen với việc chụp ảnh bằng máy kỹ thuật số, bạn sẽ biết cách phơi sáng vùng sáng. Film âm bản thì ngược lại, mặc dù loại này rất tốt trong việc ghi lại những điểm nổi bật đó, nhưng đôi khi nó lại không thể giữ nét các chi tiết trong vùng tối.

Thiếu sáng cũng có thể dẫn đến film âm bản mỏng, do đó tạo ra các bức ảnh nhiễu hạt và thiếu sức sống. Phơi sáng quá mức cũng khiến bạn mắc những sai lầm tương tự. Trừ khi bạn cố tình tạo ra những bức ảnh tối, ít sáng như Steve McCurry đôi khi đã làm khi sử dụng Kodachrome.

Chuẩn bị máy đo sáng

Máy film đời mới thường tích hợp phần đo sáng. Nhưng nếu bạn chọn một chiếc máy ảnh loại cũ, cổ điển, bạn sẽ cần mua máy đo rời hoặc dùng ứng dụng Pocket Light Meter trên điện thoại.

Ngoài ra, quy tắc Sunny 16 sẽ là “vị cứu tinh” cho bạn trong những lần quên mang theo máy đo sáng. Với quy tắc này, để phơi sáng tốt khi chụp ngoài trời trong một ngày nắng đẹp, bạn đặt khẩu độ của máy ảnh thành f16 và tốc độ màn trập nghịch đảo với ISO (hoặc chỉ số gần đó). Ví dụ: nếu ISO của bạn là 100, tốc độ màn trập nên ở 1/100 hoặc 1/125 giây. 

Ghi chú về các lần chụp

Đầu tiên, bạn hãy nhớ ghi lại khẩu độ (f-số), tốc độ màn trập và độ nhạy sáng (ISO). Trong hầu hết các trường hợp, đó là cách duy nhất bạn có thể lưu lại các thông số kỹ thuật cho những lần chụp. Nếu ảnh của bạn bị tối và thiếu sáng, thì bạn sẽ biết nên thử ISO cao hơn, tốc độ màn trập chậm hơn hoặc khẩu độ rộng hơn.

Photomemo là một ghi chú chuyên dụng hay ho để mang theo bên mình. Hoặc bạn có thể sử dụng PhotoExif để theo dõi bằng điện thoại đó.

Đặt ra cho bạn một nhiệm vụ tương tự

Bất cứ khi nào bạn thử nghiệm một loại film mới, hãy đề ra cho mình một kế hoạch. Có thể bạn sẽ chụp ảnh người đi bộ trên con đường đi làm hàng ngày hoặc để mắt đến những chiếc xe hơi cổ điển. Sách hướng dẫn của Nhiếp ảnh gia từ Aperture có hàng trăm bài tập thú vị sẽ giúp khai mở trí tưởng tượng của bạn. Một số bài tập như “chụp ảnh một vật thể tượng trưng cho mỗi chữ cái” là một ví dụ hay ho để bạn có thể thực hành.

Mục tiêu của bạn không nhất thiết phải là tạo ra tác phẩm tốt nhất mà là rút ra điều gì đó từ đầu đến cuối. Từ bỏ không phải là một lựa chọn. Khi bạn hoàn tất, hãy in các contact sheet của bạn và lưu chúng cùng với các film màu âm bản. Bạn có thể sẽ muốn nhìn lại những bước chân chập chững của mình qua thời gian đó.

“Đẩy” ISO một cách có suy nghĩ

Trong đa số trường hợp, cách tốt nhất là đặt ISO của máy ảnh cùng tốc độ bạn thấy trên hộp film. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ví dụ, nếu bạn đang tác nghiệp trong một hộp đêm với độ nhạy sáng chỉ 400, bạn có thể đẩy ISO 1600. Chỉ số này phối hợp tốt nhất với film đen trắng và được dùng từ trước đến nay bởi những nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất, bao gồm cả Garry Winogrand.

Hãy điều chỉnh ISO một cách dè chừng vì một khi đẩy ISO sẽ khiến ảnh nhiễu hạt và tương phản hơn. Film đã được “đẩy” ISO cần thời gian lâu hơn để rửa ảnh, vì vậy điều quan trọng là phải ghi nhớ mỗi lần thực hiện. Nếu bạn không tự rửa ảnh hãy ghi chú lại để thông báo cho Lab (cơ sở tráng film của bạn). Một số nơi có thể tính phí cao hơn, nhưng điều đó còn tuỳ. Ngoài ra, hãy nhớ rằng bạn không được thay đổi ISO giữa chừng vì tất cả sẽ được rửa ra cùng một lúc.

Đón nhận những “tai nạn”

“Hầu hết các nhiếp ảnh gia luôn có niềm tin gần như mê tín rằng trong cái rủi có cái may,” (Susan Sontag, On Photography, 1977).

Khi nói đến ảnh film, vài tình huống tưởng chừng là “sai lầm” như vô tình xuất hiện một vệt sáng hoặc thậm chí là sự cố khi đang rửa ảnh, lại có thể thổi luồng sinh khí mới vào một bức ảnh bình thường. Nếu bạn vô tình trở thành nạn nhân của một trong những “tai nạn đáng mừng” này, hãy nhớ lại nó đã xảy ra như thế nào và xem liệu bạn có thể làm lại nó hay không nhé.

Giữ lại film cũ hoặc film hết hạn

Theo lẽ thường, chúng ta sẽ mặc kệ những ảnh film hết hạn sử dụng. Nhưng giờ đây nó lại là mốt với hơn nửa triệu bức ảnh được gắn thẻ #expiredfilm trên Instagram. “Expired Film Day” được thành lập vào năm 2015 và đã diễn ra hàng năm kể từ đó. Sử dụng film hết hạn là phải chấp nhận “được ăn cả ngã về không”, đặc biệt nếu ảnh film không được bảo quản đúng cách. Nhưng đó là điều khiến chúng trở nên mới mẻ và thú vị.

Film đã xuống cấp thường cho ra những màu quá bão hòa, hiệu ứng kỳ quái và mờ ảo. Nó nhắc nhở chúng ta rằng nhiếp ảnh là hoạt động theo đuổi những thứ hấp dẫn, dễ sai sót nhưng lại đầy rẫy may mắn bất ngờ. Chỉ cần xem ISO của bạn, vì film qua thời gian sẽ dần mất độ nhạy và tốc độ không còn như trước. 

Nếu bạn muốn thử nghiệm nhiều hơn, bạn có thể tráng film của mình (đã hết hạn hoặc chưa hết hạn) trong các dung dịch khác nhau. Các chất lỏng có tính axit như nước cam hoặc cà phê sẽ tạo ra các kết quả ấn tượng nhất. Nhưng hãy nhớ báo với phòng Lab của bạn về những gì hay ho bạn đã làm nhé.

Xử lý cuộn film của chính mình

Hơn 75% người dùng film từ nhà sản xuất Ilford có trụ sở tại Anh tự xử lý film của mình. Mặc dù không phải lúc nào cũng thành công, nhưng đó là điều bạn nên thử ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt nếu bạn đang chụp ảnh đen trắng.

Xử lý film đòi hỏi bạn phải chăm chỉ và am hiểu về các chất hóa học. B&H Photo đã có một hướng dẫn tuyệt vời để giúp bạn bắt đầu tại nhà. Bạn sẽ cần một bệ rửa ảnh, một số cuộn film nhựa, cốc đo lường, nhiệt kế, cùng với hoá chất rửa film (thuốc hiện, thuốc giữ) và nước.

Bản quyền dịch và biên tập. Valor team
Credit. 11 Tips for Photographers Who Want to Shoot on Film